Dạy con là cả một nghệ thuật của bậc làm cha mẹ. Ảnh minh họa
1. Không tôn trọng suy nghĩ, nhận thức của trẻ
Những câu nói thường nghe: Con còn bé lắm, không hiểu được đâu; Trẻ con thì biết gì, ra chỗ khác chơi! Con nít con nôi, biết gì chuyện người lớn… cứ thế cứ thế, bạn đã biến con bạn thành một đứa trẻ tự ti. Không coi trọng suy nghĩ của con, cha mẹ luôn cho đó là ngốc nghếch, lặt vặt thì thật khó để chúng lớn lên thành một đứa trẻ giàu sáng tạo, phong phú liên tưởng.
Dễ hiểu hơn, khi chúng ta không tôn trọng trẻ, thì đối lại, trẻ cũng sẽ không tôn trọng ta. Từ coi thường đến ngăn cấm vì cho rằng chúng chỉ toàn lo/làm chuyện tầm phào thì tất yếu, chúng sẽ tự tìm hiểu, hành động âm thầm. Kết quả lầm đường lạc lối diễn ra dễ dàng.
2. Không nhận ra lỗi của bản thân
Thất bại, biết nhận ra đâu là sai lầm của mình, để lần sau biết mà né tránh, để trưởng thành hơn là một quy trình trưởng thành thông thường. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ, nhiều bậc cha mẹ đã dạy con ngược lại. Thấy con té ngã, vì xót con và muốn con ngừng khóc, cha mẹ, ông bà vội đỡ con dậy (thay vì để chúng tự đứng lên) rồi tìm một đối tượng nào đó để bắt chúng chịu trách nhiệm: tay chém chan chát vào nền nhà, vào cái bàn cái ghế, tại chúng làm con té này.
Những đứa trẻ được nuôi dạy như thế, lớn lên xây nhà bị sập thì đổ lỗi cho nền đất yếu, đi thi làm bài không được thì đổ lỗi thầy cô ra đề khó.
3. Bảo bọc con quá mức
Càng thương con cha mẹ càng gồng gánh làm hết mọi việc để con sung sướng. Điều này chỉ khiến cho trẻ ích kỷ, không biết tự chăm sóc bản thân đồng thời cũng không biết quan tâm tới người khác. Trẻ cần phải biết để ngôi nhà sạch sẽ phải quét dọn lau chùi ra sao. Để có một bữa ăn phải lắt nhắt bao nhiêu việc, chưa kể cha mẹ con phải đi làm để kiếm tiền mua thức ăn. Cũng lo sợ con cái bị tai nạn, lạc đường hay bất cứ va chạm nào, cha mẹ đưa đón con mọi nơi mọi chốn. Con làm sinh viên cũng xót con không cho đi làm thêm…
Hãy giảm bớt sự bảo bọc, vì chúng, cuộc đời cần trải nghiệm, cần kinh nghiệm để mạnh mẽ và trưởng thành. Thương con, hãy dạy chúng trở nên mạnh mẽ chứ đừng bảo bọc quá mức.
4. Lo sợ suy nghĩ của người khác hơn nhận thức của chính mình
Dạy con sống đạo đức, không hổ thẹn với lương tâm quan trọng hơn là tránh những điều tiếng xã hội. Những câu nói quen thuộc: Con làm thế người ta cười cho. Mày làm thế khác gì bôi gio trát trấu vào mặt cha mẹ!
Nếu chỉ vì lo sợ miệng đời mà không quan tâm đến sự đúng đắn của bản chất vấn đề thì sớm muộn, đứa trẻ ấy sẽ trở thành kẻ luồn lách tránh được miệng đời để làm bất cứ chuyện gì, kể cả trái đạo đức.
5. Quan niệm thương cho roi cho vọt
Đây là một quan niệm sai lầm nhưng lại được đúc kết thành thành ngữ của người Việt. Roi vọt khiến trẻ làm theo ý cha mẹ ngay nhưng lại là một tổn thương tâm lý lâu dài. Bạo lực là mầm mống của kẻ ác và phá vỡ tình cảm gia đình, mối tương quan giữa cha mẹ, con cái.
(Theo Pháp luật TP HCM)