Mách mẹ “chiêu” chăm sóc dinh dưỡng cho con

Dưới đây là những chia sẻ của ThS.BS. Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia về vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.

ThS.BS. Lê Thị Hải tư vấn dinh dưỡng cho gia đình nuôi con nhỏ.

PV:Từ xa xưa, dân gian đã truyền miệng về việc các mẹ muốn tiết nhiều sữa sau sinh thì phải ăn nhiều cháo móng giò, cơm, các thức ăn có nhiều tinh bột và hiện nay đa phần các bà mẹ vẫn làm như vậy. Xin hỏi bác sĩ, cách làm này có thực sự mang lại hiệu quả không?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Thực chất, lượng sữa tiết ra nhiều hay ít không phải hoàn toàn phụ thuộc vào ăn nhiều mà quan trọng nhất là bạn phải cho con bú thường xuyên và bú đúng cách, ngủ đủ giấc, tinh thần thoải mái. Vì vậy, việc người nhà ép các mẹ sau sinh ăn thật nhiều móng giò, các loại cháo, cơm có nhiều tinh bột để tiết sữa cho con là không có căn cứ khoa học.

Cơ chế tiết sữa phụ thuộc nhiều vào yếu tố thần kinh. Khi con bú sẽ kích thích vào các đầu dây thần kinh ở núm vú tạo thành luồng thần kinh ra thùy sau của tuyến yên tiết ra 2 nội tiết tố là: prolactin và ocytoxin. Prolactin kích thích tuyến sữa sản xuất ra sữa còn ocytoxin kích thích cơ trơn của tuyến vú bài tiết ra sữa. Vì vậy, nếu không cho con bú hoặc dùng các dụng cụ hút sữa thì dù có ăn rất nhiều cũng không thể có sữa.

Nếu các mẹ đã mập sẵn thì không nên ăn quá nhiều nhất là những thức ăn có nguồn gốc tinh bột. Nên ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: sữa không đường, hoa quả không ngọt, nhiều rau xanh và cần thiết có thể bổ sung thực phẩm chức năng cung cấp các vi chất dinh dưỡng thì chất lượng sữa của bạn sẽ rất tốt. Chỉ lưu ý là cần bổ sung nhiều nước và ăn các thức ăn nhiều nước như: cháo, súp, sữa...

Không nên cho mắm muối vào thức ăn đối với trẻ dưới 1 tuổi

PV: Thưa bác sĩ, cho gia vị như thế nào để phù hợp với trẻ dưới 1 tuổi, trẻ tập ăn dặm?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì không nên cho mắm muối vào thức ăn vì chức năng thận của trẻ còn rất non yếu chỉ đào thải được 1 gam muối/ngày.

Các mẹ khi cho con ăn bột kể cả nấu với thịt, cá, tôm cũng không cần cho muối và cũng không nên cho thêm đường vào bữa ăn dặm vì ăn nhiều đường có thể dẫn tới béo phì.

PV:Thưa bác sĩ, mùa đông xuân trẻ thường hay bị ho, việc cho trẻ ăn thịt gà, tôm, cua (sống dưới bùn bị coi là tính lạnh) sẽ làm cho chứng ho nặng hơn và có nên kiêng những thực phẩm này?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Những điều này là hoàn toàn sai lầm. Ho là do bệnh lý chứ không phải do ăn uống. Nói ăn tôm gây ho bởi phần vỏ và càng của nó. Khi ăn tôm, nếu không bóc vỏ, bỏ càng sẽ dễ mắc ở cổ họng, gây ngứa và ho. Còn phần thịt tôm hay cua, cá thì hoàn toàn không phải nguyên nhân gây ho. Ngược lại, trong tôm, cua, cá rất giàu chất đạm và dễ tiêu hóa. Vì vậy, kiêng các loại chất ăn mà dân gian thường nói là chất tanh khi trẻ bị ho là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Nhân đây cũng nói luôn về việc ăn tôm. Nhiều người lầm tưởng rằng, cứ ăn tôm là yên tâm có nhiều canxi. Và đa phần, mọi người thường bóc hết phần càng tôm, vỏ tôm, chỉ ăn phần thịt tôm. Nhưng thực chất, lượng canxi chủ yếu trong vỏ tôm và càng tôm còn phần thịt tôm chỉ cung cấp chất đạm là chính. Trẻ nhỏ cũng chỉ cần bổ sung chất đạm tùy theo từng độ tuổi. Nếu cho trẻ ăn quá nhiều đạm cũng không tốt, có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa, đi ngoài, táo bón hoặc thừa cân, béo phì. Nếu muốn cung cấp canxi cho cơ thể, bạn có thể chọn các loại tôm nhỏ để ăn được cả vỏ.

Đáng nói nữa là suy nghĩ kiêng thịt gà khi bị ho đã ăn sâu vào thói quen, suy nghĩ của nhiều người trong khi thịt gà chứa rất nhiều protein, nhất là kẽm. Đặc biệt, kẽm là một trong những chất dinh dưỡng rất quan trọng tham gia vào hệ thống miễn dịch, làm tăng sức đề kháng. Vì vậy, kiêng thịt gà khi ho là không nên. Trái lại, các mẹ nên cho con ăn thịt gà khi ho để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Trẻ cần ăn đủ dinh dưỡng vào buổi sáng. Nếu chỉ uống một ly sữa sẽ chưa đủ năng lượng cho trẻ

PV: Thưa bác sĩ, chế độ ăn sáng, nhất là những cháu đã ở độ tuổi học cấp 1, cấp 2 như thế nào sẽ phù hợp. Chỉ cần uống một ly sữa có đủ năng lượng hay không?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Buổi sáng, một số em nhỏ vì ngại ăn nên chỉ có thói quen uống một ly sữa và không ăn gì hết. Đây là nguyên nhân tại sao các em cảm thấy nhanh đói vì: Nếu chỉ uống sữa không thì sữa sẽ không được lưu lại lâu trong dạ dày dẫn tới việc hấp thu chất đạm trong sữa không được tốt. Buổi sáng, trước khi uống sữa, nên ăn 1 lượng tinh bột nhỏ như: 1 bát cháo nhỏ hoặc súp hoặc lát bánh mỳ hoặc các loại bánh quy là tốt nhất.

PV: Mùa này, sợ trẻ viêm họng, nhiều bà mẹ cho trẻ ăn sữa chua thường rã đông bằng lò vi sóng. Xin hỏi bác sĩ, cách làm này có ảnh hưởng gì không?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Sữa tươi có thể cho vào lò vi sóng để rã đông (tức là làm bớt lạnh đi). Còn riêng sữa chua thì không nên cho vào lò vi sóng. Nếu chẳng may bạn để quá tay, nhiệt độ trên 60 độ, các vi khuẩn có lợi trong sữa chua có thể bị chết. Khi đó, ăn sữa chua không còn tác dụng nữa.

Cách tốt nhất để rã đông sữa chua là để ra môi trường thường 10-15 phút hoặc ngâm vào nước ấm khoảng 50 độ.

PV: Món khoái khẩu của trẻ là thịt nướng, nhất là khi thời tiết lạnh buổi chiều tan học. Việc ăn thực phẩm này có nên thường xuyên không, thưa bác sĩ?

Đồ nướng, đồ kho nhất là khi có mỡ bị cháy xém sẽ có mùi thơm hấp dẫn. Tuy nhiên, mùi thơm đó là các hợp chất cacbon vòng thơm có thể gây ung thư. Vì vậy không nên ăn quá nhiều đồ nướng. Tốt nhất 1 tháng không nên ăn quá 1-2 lần.

Thanh Loan (thực hiện)